經濟越南

番版𠓨𣅶14:30、𣈜21𣎃7𢆥2014𧵑Me2hero (討論 | 㨂𢵰) (from Vietnamese Wikipedia “Kinh tế Việt Nam” version 11:57, January 1, 2014 UTC (CC-BY-SA))
(恪) ←番版𫇰 | 番版㵋一 () | 番版㵋→ ()

Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 6 ở Đông Nam Á và lớn thứ 57 trên thế giới xét theo quy mô tổng sản phẩm nội địa danh nghĩa năm 2011 và đứng thứ 128 xét theo tổng sản phẩm nội địa danh nghĩa bình quân đầu người. Tổng Thu nhập nội địa GDP năm 2011 là 124 tỷ USD[1]. Đây là nền kinh tế thị trường, phụ thuộc cao vào xuất khẩu thô và đầu tư trực tiếp nước ngoài[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương xây dựng ở Việt Nam một hệ thống kinh tế thị trường.Tính đến tháng 11 năm 2007, đã có Trung Quốc, Nga, Venezuela, Nam Phi, ASEAN và Ucraina tuyên bố công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ.[3] Từ năm 1976, do chỉ một đảng lãnh đạo đất nước, sự thăng trầm của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào ai lãnh đạo và các chính sách của Đảng Cộng sản và Chính phủ đưa ra.

Theo dự báo của PwC được thực hiện đầu năm 2008 thì vào năm 2025, nền kinh tế Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ 28 thế giới với PPP đạt hơn 850 tỉ USD, cho đến năm 2050, nền kinh tế Việt Nam sẽ đứng vào top 20 trong các nền kinh tế lớn trên thế giới có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi và sẽ đạt 70% quy mô của nền kinh tế Vương quốc Anh vào năm 2050.[4]

Xét về mặt kinh tế, Việt Nam là quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Nhóm Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, ASEAN. Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do đa phương với các nước ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Việt Nam cũng đã ký với Nhật Bản một hiệp định đối tác kinh tế song phương.

Kinh tế Việt Nam dưới sự điều hành của chính phủ còn nhiều vấn đề tồn tại cần giải quyết, các vấn đề tồn tại gắn liền với gốc rễ của bất ổn kinh tế vĩ mô đã ăn sâu, bám chặt vào cơ cấu nội tại của nền kinh tế nước này, cộng với việc điều hành kém hiệu quả, liệu dẫn đến liên tục gặp lạm phát cũng như nguy cơ đình đốn nền kinh tế[5].

Lịch sử

Trước 1954

Pháp thực hiện độc quyền thương mại, đặc biệt là công khai buôn bán thuốc phiện. Độc quyền nấu rượu thì giao cho công ty Société des Distilleries d'Indochine phân phối cho toàn Liên bang dưới hiệu "RA" (Régie de Alcool), tục gọi là "rượu ty". Những nguồn rượu khác thì bị liệt vào hạng rượu lậu và ai nấu hay mua thì bị truy tố và tài sản tịch thu.[6] Đối với thuốc phiện thì quyền nhập cảng, chế biến và bán sỉ là do cơ quan Régie de l'Opium đảm nhận. Tính đến năm 1900 thì lợi nhuận chính phủ thu được từ thuốc phiện đạt hơn phân nửa số tiền thu nhập của toàn Liên bang Đông Dương.[7] Riêng việc phân phối bán lẻ là để cho tư nhân, đa số là người Hoa.[8]

Giai đoạn 1954-1975

Trong thời kỳ này, Việt Nam bị chia cắt thành hai vùng với hai chế độ chính trị và kinh tế khác nhau. Xem chi tiết:

Trong giai đoạn này, kinh tế Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát triển bình quân năm là 6% (GDP đầu người bình quân năm tăng khoảng 3%), còn kinh tế Việt Nam Cộng hòa phát triển trung bình 3,9%/năm (bình quân đầu người tăng 0,8%). Đặc biệt kinh tế Việt Nam Cộng hòa phát triển ở số âm trong giai đoạn 1965-75 phần lớn do chiến tranh đã lan rộng khắp miền và ở mức độ quyết liệt.[9]

Giai đoạn 1976-1986

Bài chi tiết Kinh tế Việt Nam, 1976-1986

Năm 1976, Việt Nam thống nhất đổi tên thành nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, năm 1980 ra Hiến pháp thể chế hóa đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam được quyết định tại Đại hội Đại biểu toàn quốc năm 1976. Đường lối kinh tế chủ đạo của Việt Nam từ thời kỳ này là công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân lao động (gồm công nhân, nông dân tập thể, trí thức xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V do Lê Duẩn, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng trình bày, ngày 27 tháng 3 năm 1982:

  • Công nghiệp nặng được ưu tiên phát triển
  • Các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa được cải tạo, kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân và được phát triển ưu tiên, nông dân ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ được khuyến khích tham gia sản xuất tập thể
  • Nhà nước lãnh đạo nền kinh tế quốc dân theo kế hoạch thống nhất.
  • Hội nhập kinh tế thông qua triển khai các hiệp định hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là trong khuôn khổ Hội đồng Tương trợ Kinh tế từ năm 1978.

Thời kỳ này được nhắc đến với danh từ "bao cấp". Nền kinh tế hoạt động theo cơ chế tập trung kế hoạch hóa. Nhà nước lên kế hoạch cho mọi hoạt động kinh tế, các xí nghiệp nhà máy cứ theo kế hoạch nhà nước mà làm. Thành phần kinh tế tư nhân bị cấm. Nông dân làm việc trong các hợp tác xã.

Từ năm 1976 đến 1980, thu nhập quốc dân tăng rất chậm, có năm còn giảm: Năm 1977 tăng 2,8%, năm 1978 tăng 2,3%, năm 1979 giảm 2%, năm 1980 giảm 1,4%, bình quân 1977-1980 chỉ tăng 0,4%/năm, thấp xa so với tốc độ tăng trưởng dân số, làm cho thu nhập quốc dân bình quân đầu người bị sụt giảm 14%[10]

Kết quả này do nhiều nguyên nhân trong đó có cả “do khuyết điểm, sai lầm của các cơ quan Đảng và Nhà nước ta từ trung ương đến cơ sở về lãnh đạo và quản lý kinh tế, quản lý xã hội”[11] dẫn tới "chủ quan, nóng vội, đề ra những nhiệm vụ và chỉ tiêu của kế hoạch nhà nước quá cao so với khả năng, những chủ trương sản xuất, xây dựng, phân phối, lưu thông thiếu căn cứ xác đáng, dẫn đến lãng phí lớn về sức người, sức của;... rất bảo thủ, trì trệ trong việc chấp hành đường lối của Đảng và nhiều nghị quyết của Trung ương, trong việc đánh giá và vận dụng những khả năng về nhiều mặt của đất nước.... kéo dài cơ chế quản lý quan liêu bao cấp với cách kế hoạch hóa gò bó, cứng nhắc, không đề cao trách nhiệm và mở rộng quyền chủ động cho cơ sở, địa phương và ngành, và cũng không tập trung thích đáng những vấn đề mà Trung ương cần và phải quản lý... duy trì quá lâu một số chính sách kinh tế không còn thích hợp, cản trở sản xuất và không phát huy nhiệt tình cách mạng và sức lao động sáng tạo của những người lao động... chưa nhạy bén trước những chuyển biến của tình hình, thiếu những biện pháp có hiệu quả,"[12] Hậu quả nghiêm trọng phải kể hai cuộc đổi tiền năm 1975 (do Cộng hòa Miền Nam Việt Nam thực hiện) và đổi tiền năm 1978 trên toàn quốc để thực thi "đánh tư sản mại bản", làm cạn kiệt tiết kiệm vốn liếng của người dân và làm xáo trộn kinh tế trầm trọng.[13][14][15][16][17]

Kim ngạch xuất khẩu năm 1980 chỉ đạt 15% kim ngạch nhập khẩu. Cùng năm đó, chỉ tiêu thóc lúa là 21 triệu tấn nhưng thu hoạch chỉ đạt triệu 12 tấn. Tình hình lương thực thiếu hụt trầm trọng khiến lượng gạo mua qua mậu dịch quốc doanh bị hạn chế tương đương với thời kỳ chiến tranh khốc liệt nhất ở miền Bắc. Khoảng 10-15% lương thực phải nhập khẩu. Hàng hóa không đủ, để trang trải các khoản nợ từ khối Cộng sản, chính phủ Việt Nam xoay sang trả nợ bằng lao động. Riêng tại Liên Xô đã có hơn 100.000 thợ thuyền người Việt được gửi sang để bù vào phần nào cán cân mậu dịch.[18]

Năm 1982, Đại hội V của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thừa nhận kinh tế Việt Nam trong thời kỳ 1976-1980 là: "kết quả sản xuất không tương xứng với sức lao động và vốn đầu tư bỏ ra, những mất cân đối lớn của nền kinh tế vẫn trầm trọng, thu nhập quốc dân chưa bảo đảm được tiêu dùng của xã hội trong khi dân số tăng nhanh; thị trường, vật giá, tài chính, tiền tệ không ổn định, đời sống của nhân dân lao động còn nhiều khó khăn".[12] Vì thế, từ năm 1982, Đảng này quyết định Việt Nam sẽ tập trung sức phát triển mạnh nông nghiệp và coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng, và kết hợp nông nghiệp, công nghiệp hàng tiêu dùng và công nghiệp nặng trong một cơ cấu công - nông nghiệp hợp lý, tăng cường phân cấp cho địa phương trong công tác sản xuất và quản lý sản xuất. Kinh tế quốc doanh vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, kinh tế gia đình được khuyến khích. Thị trường không có tổ chức bị quản lý chặt chẽ.[12]

Tính chung tốc độ phát triển 5 năm, năm 1981 tăng 2,3%, năm 1982 tăng 8,8%, năm 1983 tăng 7,2%, năm 1984 tăng 8,3%, năm 1985 tăng 5,7%, bình quân 1981-1985 tăng 6,4%/ năm[10]

Tuy nhiên, thời kỳ 1981-1985 kinh tế Việt Nam đã không thực hiện được mục tiêu đã đề ra trong nghị quyết đại hội V là cơ bản ổn định tình hình kinh tế-xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Sai lầm về tổng điều chỉnh giá - lương - tiền cuối năm 1985 đã đưa nền kinh tế đất nước đến những khó khăn mới. Nền kinh tế-xã hội lâm vào khủng hoảng trầm trọng.[19] Siêu lạm phát xuất hiện và kéo dài.

Để vượt qua khó khăn, các địa phương nhất là địa phương ở Nam Bộ đã có những biện pháp “xé rào” như khoán hộ, khoán sản phẩm, bù giá vào lương, tăng cường quan hệ ngoại thương với các nước ngoài khối xã hội chủ nghĩa. Những biện pháp “xé rào” này đã mang lại những hiệu quả nhất định trong tăng năng suất sản xuất, giải quyết tình trạng khan hiếm hàng hóa và nợ lương người lao động. Vì thế, chúng đã thu hút được sự chú ý của các nhà lãnh đạo Đảng và chính phủ.[20][21] Khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động (hay Khoán 100 gọi dựa theo Chỉ thị 100 của Ban Bí thư trung ương Đảng CSVN khóa IV) và mở rộng quyền tự chủ sản xuất kinh doanh cho các xí nghiệp quốc doanh (nghị quyết 25/CP của Chính phủ) được Đảng và Chính phủ cho phép thí điểm và dần áp dụng rộng rãi từ năm 1981. Ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, một số nhà nghiên cứu kinh tế gồm cả những người được đào tạo thời Việt Nam Cộng hòa đã được lãnh đạo Đảng triệu tập để nghiên cứu, chuẩn bị cho Đổi Mới.[22]

Những thực tiễn “xé rào” và lý luận mới trên đã giúp Đảng Cộng sản Việt Nam triển khai chính thức chương trình Đổi mới tư duy quản lý kinh tế mà thể hiện trước hết là nghị quyết của Đại hội VI tổ chức vào giữa tháng 12 năm 1986. Các quyết định đổi mới gắn với tên tuổi của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh.

Giai đoạn 1986-2006

Thời kỳ 1986-2000 gọi là thời kỳ chuyển tiếp của nền kinh tế Việt Nam (tiếng Anh: transitional economy), từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang vận hành theo cơ chế thị trường, tuy vẫn bị giới hạn với cụ từ "kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước". Giai đoạn 1986-1990, Việt Nam tập trung triển khai Ba Chương trình kinh tế lớn: lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu. Các hình thức ngăn sông cấm chợ, chia cắt thị trường được xóa bỏ dần, kế hoạch kinh tế của nhà nước được thực hiện trên cơ sở hạch toán. Đặc biệt, các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh và tập thể được thừa nhận và bắt đầu được tạo điều kiện hoạt động. Nền kinh tế dần dần được thị trường hóa. Song Đảng chủ trương và thực hiện kinh tế quốc doanh là chủ đạo, chi phối các thành phần kinh tế khác. Cơ chế quản lý nền kinh tế bằng mệnh lệnh hành chính dần dần giảm đi.[23][24][25]

Kinh tế Việt Nam bắt đầu có những chuyển biến tốt. Từ chỗ phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam đã sản xuất đủ tự cung cấp, có dự trữ và còn xuất khẩu gạo. Khoán 10 được triển khai từ năm 1988 trên quy mô toàn quốc càng khuyến khích nông dân sản xuất lúa gạo. Hàng hóa, nhất là hàng tiêu dùng, nhiều hơn và đa dạng hơn. Xuất khẩu tăng mạnh, thâm hụt thương mại giảm. Từ năm 1989, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu dầu thô, đem lại nguồn thu xuất khẩu lớn. Lạm phát được kiềm chế dần dần.[25]

Tháng 6 năm 1991, Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, tại đây một văn kiện quan trọng đã ra đời, đó là "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội". Cương lĩnh này sau đó liên tục được bổ sung và điều chỉnh trong các kỳ họp của Ban Chấp hành trung ương Đảng và Đại hội Đại biểu toàn quốc tiếp theo. Cương lĩnh này và các văn kiện có tính chất sửa đổi nó tuyên bố rằng nhiệm vụ trung tâm của xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là: “đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”[26] “gắn liền với phát triển một nền nông nghiệp toàn diện”[27]. Các văn kiện này nêu phương hướng: "thiết lập quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa từ thấp đến cao với sự đa dạng về hình thức sở hữu. Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước" [27] và "phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa"[26].

Thời kỳ 1991-1999 được coi là giai đoạn phát triển thành công của Việt Nam, gắn với hai nhiệm kỳ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt (từ tháng 8 năm 1991 – tháng 9 năm 1997). Việc chuyển sang kinh tế thị trường đã làm thay đổi toàn diện nền kinh tế. Giai đoạn 1993-1997 là thời kỳ kinh tế Việt Nam kiềm chế thành công lạm phát đồng thời lại tăng trưởng nhanh chóng. Sau đó, kinh tế tăng trưởng chậm lại trong 2 năm 1998-1999, sau đó tiếp tục đà tăng nhanh trong những năm đầu 2000 trong hai nhiệm kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải.

Thập niên 1990 và đầu 2000 là thời kỳ mà Việt Nam tích cực hội nhập kinh tế mà đỉnh cao là việc ký hiệp định gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO (năm 2006) và Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ (năm 2001). Các sách báo trong nước thời kỳ này dùng cụm từ "đổi mới" để mô tả thời kỳ 1986-2000, thời kỳ chuyển biến thực sự về nhận thức tư duy kinh tế, áp dụng kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Báo chí nước ngoài khen ngợi Việt Nam, ví Việt Nam như "con hổ" kinh tế trong tương lai gần.

Tuy nhiên, đến thời điểm kết thúc nhiệm kỳ cuối của Thủ tướng Phan Văn Khải (2006), theo ông Khải phát biểu chia tay tại Quốc hội, nền kinh tế Việt Nam đã và vẫn còn nhiều tồn tại mà ông Khải vẫn chưa giải quyết được. Công tác cán bộ chậm được đổi mới là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến những sai lầm và khuyết điểm trong lãnh đạo quản lý kinh tế, xã hội. Nền kinh tế còn chậm phát triển chiều sâu, tình trạng lãng phí thất thoát vốn và tài sản công còn nghiêm trọng nhất là trong các dự án đầu tư vốn nước ngoài[28].

Xem thêm: Đổi mới

Giai đoạn 2006-2012

Tháng 6 năm 2006, Nguyễn Tấn Dũng lên thay Phan Văn Khải làm Thủ tướng. Theo BBC, Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị cáo buộc đã tạo ra một thứ văn hóa tham nhũng phổ biến gây nên sự sụp đổ của một loạt tập đoàn lớn như Vinashin [29]. Ông Dũng đã mắc các sai phạm trong quản lý các vấn đề kinh tế[30], đã bị đề nghị kỷ luật Hội nghị 6 Trung ương đảng khóa XI tháng 10 năm 2012. Bản thân lãnh đạo Đảng Cộng sản cũng xin lỗi và thừa nhận các vấn đề của nền kinh tế Việt Nam là do sai lầm của Đảng Cộng sản, mà đại diện là Bộ Chính trị[31]. Ông Dũng trong Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII đã thừa nhận các sai lầm trong quản lý kinh tế đã dẫn tới các vấn đề nghiêm trọng của nền Kinh tế Việt Nam[32][33].

Ông Dũng ký quyết định thành lập mới một loạt các Tập đoàn kinh tế Nhà nước lớn, như Tập đoàn dầu khí, (29-8-2006), Tập đoàn Công nghiệp Cao su (30-10-2006)... (trước đó chỉ là các Tổng công ty) đồng thời ông Dũng trực tiếp chịu trách nhiệm và quyền hạn liên quan, thay vì các Bộ như trước kia[34]. Trong số 40 tập đoàn, có hai tập đoàn do sai lầm trong quản lý nên lâm vào khủng hoảng, gây lãng phí rất lớn[35][36], 5 tập đoàn nhà nước đầu ngành bị lỗ (2 tập đoàn lỗ trên 1.000 nghìn tỷ), 5 tập đoàn có nợ phải thu khó đòi hàng trăm tỷ tính tới cuối năm 2012 [37].

Kinh tế năm 2007 tăng trưởng 8,5%, cao nhất kể từ năm 1997. Tuy nhiên năm 2008, nền kinh tế Việt Nam chững lại, được cho bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có khủng hoảng tài chính 2007-2010. Từ năm 2007, nền kinh tế đã có dấu hiệu lạm phát rất cao. Đặc trưng giai đoạn này là tốc độ tăng trưởng kinh tế chững lại (chỉ đạt 5-6%/năm so với 7-8% giai đoạn trước). 2008 là một năm không vui với tăng trưởng GDP của Việt Nam khi tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt ~6,23%, thấp nhất kể từ năm 1999[38]. Các năm 2007-2008, lạm phát tăng tốc và hàng năm đều ở mức 10-20%.[39]. Năm 2009, tốc độ tăng trưởng GDP tụt xuống còn 5,32%[40], năm 2010 là 6,78%[41] và năm 2011 là 5,89%[42]

Tháng 5 năm 2009, Chính phủ tung ra gói kích cầu có giá trị 143.000 tỷ đồng (tương đương 8 tỷ USD), sau đó tăng lên 160 nghìn tỷ đồng (tương đương 9 tỷ USD). Gói kích cầu có ảnh hưởng tốt nhất định (kích thích nhu cầu tăng, dẫn tới tăng GDP), tuy nhiên cũng để lại nhiều hệ lụy sau này: tạo bong bóng đầu cơ bong bóng chứng khoán và bất động sản, lạm phát tăng cao, thâm hụt ngân sách nặng dẫn tới nợ nhà nước tăng cao, gây bất ổn định tỷ giá[43] và bất ổn định kinh tế vĩ mô[44]. Ngày 25/11/2009 VND bị phá giá khoảng 5% và đến tháng 12, Chính phủ phải tuyên bố dừng gói kích cầu [45] Kinh tế Vĩ mô bất ổn định, lạm phát năm 2011 lên tới trên 20%. Trong năm 2010, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã từng ba lần áp dụng biện pháp phá giá đồng tiền VND. Ngày 11/2/2011, VND bị phá giá 9,3%[46].

Giai đoạn này, một số Tập đoàn kinh tế Nhà nước lớn như Vinashin, Vinalines (trước đó chỉ là các Tổng công ty) được dành rất nhiều tiền từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng do sai lầm trong quản lý nên lâm vào khủng hoảng, gây lãng phí rất lớn[35][36].

Tháng 7 năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bước vào nhiệm kỳ hai, thay đổi một số nhân sự chủ chốt về kinh tế, đặc biệt là các bộ trưởng Nguyễn Văn Bình (Thống đốc NHNN) và Vương Đình Huệ (Bộ Tài chính). Trong giai đoạn này, lạm phát Việt Nam tăng rất cao. Nghị quyết số 11 được Chính phủ đưa rắt thắt chặt tiền tệ, nhằm mục tiêu giảm lạm phát. Theo đó, lãi suất ngân hàng tăng rất cao, các doanh nghiệp bị hạn chế cho vay. Trong năm 2011, nhiều phân tích kinh tế trong nước cho rằng Nghị quyết 11 đã phát huy tác dụng, là liều thuốc chữa lạm phát hữu hiệu.

Tuy nhiên, sang năm 2012, do ảnh hưởng của nhiều nguyên nhân, trong đó có một phần từ Nghị quyết 11 đã thắt chặt mức cung tiền, nền kinh tế Việt Nam lâm vào tình thế rất khó khăn, trong đó nổi bật là nợ xấu ngân hàng và hàng tồn kho tăng cao, thị trường Bất động sản và Chứng khoán suy thoái[47], đặc biệt là thị trường bất động sản đóng băng, trong khi dư nợ lĩnh vực này có thể tới 50 tỷ USD[48]. Một số lượng lớn các doanh nghiệp phá sản[49]. Đa số các doanh nghiệp lâm vào khó khăn. Tính chung hai năm 2011 và 2012 thì tổng số DN rời khỏi thị trường bằng 20 năm trước đó. Và trong số gần 500.000 DN đang hoạt động thì tỷ lệ thua lỗ cũng rất cao[50]. Nợ xấu của toàn nền kinh tế tăng cao và tăng nhanh đe doạ sự ổn định của nền kinh tế[51]. Tổng nợ công theo định nghĩa quốc tế vào cuối năm 2011 đã là 128.9 tỷ USD bằng 106% GDP (121.7 tỷ USD), trong đó nợ nước ngoài bằng 38,9% GDP.[52].

Tuy nhiên cán cân thương mại trong giai đoạn này đã khởi sắc khi mức nhập siêu đã giảm dần, và năm 2012 là năm đầu tiên Việt Nam xuất siêu kể từ năm 1992.

Các đặc trưng của kinh tế Việt Nam hiện nay

Hệ thống kinh tế

Kinh tế Việt Nam là nền kinh tế hỗn hợp. Trong khi nền kinh tế ngày càng được thị trường hóa thì sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế vẫn còn ở mức độ cao. Hiện tại, nhà nước vẫn sử dụng các biện pháp quản lý giá cả kiểu hành chính như yêu cầu các tập đoàn kinh tế và tổng công ty điều chỉnh mức đầu tư, quyết định giá xăng dầu, kiểm soát giá thép, xi măng, than.[53][54] Tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, Đảng ra quyết định về chiến lược phát triển kinh tế xã hội cho thời kỳ 10 năm và phương hướng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm. Trên cơ sở đó, Chính phủ Việt Nam xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm và hàng năm để trình Quốc hội góp ý và thông qua.

Chính phủ Việt Nam tự nhận rằng kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, và nhiều nước và khối kinh tế bao gồm cả một số nền kinh tế thị trường tiên tiến cũng công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.[55][56][57] Tuy nhiên, cho đến nay Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản vẫn chưa công nhận kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường.[58][59] Tổ chức Thương mại Thế giới công nhận Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển ở trình độ thấp và đang chuyển đổi.

Việt Nam có nhiều thành phần kinh tế. Theo cách xác định hiện nay của chính phủ, Việt Nam có các thành phần kinh tế sau: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân (cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân), kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.[26] Một trong những biện pháp mà Đảng và Chính phủ Việt Nam thực hiện để khu vực kinh tế nhà nước trở thành chủ đạo của nền kinh tế là thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng cổng ty nhà nước. Tuy nhiên, từ đầu thập niên 1990 cho đến nay, Việt Nam đã liên tục thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Mặc dù Đảng và Nhà nước chủ trương ưu tiên phát triển các thành phần kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, song tốc độ tăng trưởng của hai thành phần này lại thấp hơn so với của kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.[60] Theo số liệu sơ bộ[61] của Tổng cục Thống kê, năm 2007, khu vực kinh tế nhà nước là khu vực lớn nhất, chiếm 36,43% GDP thực tế của Việt Nam, tiếp theo lần lượt là kinh tế cá thể (29,61 %), kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (17,66 %), kinh tế tư nhân (10,11 %).

Xem thêm: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Kinh tế hỗn hợp, Kế hoạch 5 năm (Việt Nam), Cổ phần hóa.

Cơ cấu kinh tế

Kinh tế Việt Nam được chia thành 3 khu vực (hay còn gọi 3 ngành lớn) kinh tế, đó là: 1) nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; 2) công nghiệp (bao gồm công nghiệp khai thác mỏ và khoáng sản, công nghiệp chế biến, xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất và phân phối khí, điện, nước); 3) thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch, văn hóa, giáo dục, y tế.

Các sản phẩm chính:[62]

  • Nông nghiệp: gạo, cà phê, cao su, chè, hạt tiêu, đỗ tương, đường trắng, chuối, lạc; các hải sản.
  • Công nghiệp: chế biến thực phẩm, dệt may, giầy dép, máy xây dựng - nông nghiệp; khai thác mỏ, than, apatit, bô xít, dầu thô, khí đốt; xi măng, phân đạm, thép, kính, xăm lốp; điện thoại di động; công nghiệp xây dựng; sản xuất điện.
  • Dịch vụ: Du lịch, nhà hàng, khách sạn, giáo dục tư nhân, y tế, chăm sóc sức khỏe, giải trí...

Tỷ lệ phần trăm các ngành theo GDP (ước tính 2012):[62]

  • Nông nghiệp 21,5%
  • Công nghiệp 40,7%
  • Dịch vụ 37,7%

Địa lý kinh tế

Bài chi tiết Các vùng kinh tế - xã hội Việt Nam, Các vùng công nghiệp Việt Nam, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Khu kinh tế ở Việt Nam

Các bộ, ngành của Việt Nam hiện thường chia toàn bộ lãnh thổ Việt Nam thành 7 vùng địa-kinh tế, đó là: Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, đồng bằng song Cửu Long. Ngoài ra, cũng còn nhiều cách phân vùng kinh tế khác được áp dụng. Ở 3 miền của đất nước có 4 vùng kinh tế trọng điểm[63] làm đầu tàu cho phát triển kinh tế của cả nước và vùng miền. Ở ven biển, có 20 khu kinh tế[64] với những ưu đãi riêng để thu hút đầu tư trong và ngoài nước và làm động lực cho phát triển kinh tế của các vùng. Ngoài ra, dọc biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia có hơn 30 khu kinh tế cửa khẩu, trong đó có 9 khu kinh tế cửa khẩu được ưu tiên phát triển (Móng Cái, Lạng Sơn-Đồng Đăng, Lào Cai, Cầu Treo, Lao Bảo, Bờ Y, Mộc Bài, An Giang, Đồng Tháp).

Kinh tế vĩ mô - tài chính

Bài chi tiết Đồng (tiền) , Hệ thống thuế Việt Nam, Chính quyền địa phương ở Việt Nam, Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội

Năm 2008, tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam ước khoảng 22,97 %[65], cao hơn nhiều mức Quốc hội đề ra là dưới 8,5-9% trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2008. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế tính theo đơn vị tiền tệ quốc gia của Việt Nam năm này là 6,18%[66], thấp hơn mức Quốc hội đề ra là trên 7,5-8%. Những lo ngại về lạm phát tăng tốc nhanh trong năm 2007 và nửa đầu năm 2008 đã khiến Chính phủ quyết định thực hiện các biện pháp thắt chặt tiền tệ và tài chính cũng như tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến kinh tế tăng trưởng chậm hơn dự kiến.

Thu chi ngân sách nhà nước được điều chỉnh bởi Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp lý khác. Kỳ họp cuối năm là lúc Quốc hội phê duyệt dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm sau. Các cấp ngân sách nhà nước đều có nguồn thu riêng. Ngoài ra còn có một số nguồn thu chung - là nguồn thu của ngân sách cấp trên chia cho ngân sách cấp dưới.

Hiện Việt Nam có 2 sở giao dịch chứng khoán, 1 ở Hà Nội và 1 ở thành phố Hồ Chí Minh. Tại HOSE có 172 cổ phiếu được niêm yết và sử dụng chỉ số giá chứng khoán Vn-Index; ngoài ra còn có 68 trái phiếu và 4 chứng chỉ quỹ.[67] Tại HNX-Index có 170 cổ phiếu được niêm yết và sử dụng chỉ số HNX-Index; ngoài ra còn có 531 loại trái phiếu.[68] Bên cạnh cổ phiếu được niêm yết, cổ phiếu chưa niêm yết (ở Việt Nam quen gọi là cổ phiếu OTC) cũng được giao dịch rất nhiều. Thị trường trái phiếu Việt Nam hiện chỉ có các loại trái phiếu (định danh bằng đồng hoặc dollar Mỹ) do chính phủ, kho bạc nhà nước và chính quyền một số tỉnh, thành phố phát hành; chưa có trái phiếu doanh nghiệp. Việt Nam cũng đã phát hành và niêm yết trái phiếu chính phủ tại thị trường chứng khoán nước ngoài.[69] Người nước ngoài được phép mua bán chứng khoán Việt Nam. Cho tới nay, năm 2006 là năm sôi động nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Việt Nam có 43 ngân hàng thương mại trong nước và 4 chi nhánh ngân hàng nước ngoài. (Xem thêm: Danh sách ngân hàng tại Việt Nam). Ngân hàng Nhà nước Việt Namngân hàng trung ương của Việt Nam có văn phòng tại tất cả các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương.

Ngân hàng Nhà nước đang quản lý tương đương 20,7 tỷ dollar dự trữ ngoại hối nhà nước của Việt Nam (tính vào thời điểm ngày 19/6/2008). Ngân hàng này quản lý tỷ giá hối đoái chính thức của Việt Nam thông quan can thiệp vào giao dịch trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng để tác động tới tỷ giá bình quân liên ngân hàng và tỷ giá tính thuế xuất nhập khẩu.[70] Bộ Tài chính (Việt Nam) cũng công bố một tỷ giá chính thức nữa để phục vụ hạch toán ngoại tệ.[71] Ngoài các loại tỷ giá hối đoái chính thức nói trên, Việt Nam còn có tỷ giá hối đoái không chính thức thường áp dụng trong giao dịch ngoại tệ tại các cửa hàng kinh doanh ngoại tệ, vàng bạc, đá quý của tư nhân.

Kinh tế đối ngoại - hội nhập kinh tế

Năm 2008, Việt Nam xuất khẩu được khoảng 64.8 tỷ dollar Mỹ, trong đó khoảng 32,1% giá trị xuất khẩu là hàng công nghiệp nặng và khoáng sản, 45.2% là hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp, 23,5% là hàng nông, lâm, thủy sản. Trong khi đó cùng năm, giá trị nhập khẩu ước đạt 60,8 tỷ dollar, trong đó ước khoảng 30,2% giá trị nhập khẩu là máy móc, thiết bị, dụng cụ các loại, 63,7% là nguyên, vật liệu, chỉ có 6,1% là hàng tiêu dùng.[72]

Đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng góp ngày càng tích cực vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, giá trị đầu tư thực tế và giá trị giải ngân thấp hơn nhiều so với giá trị đăng ký. Tính theo giá trị lũy kế từ năm 1988 đến hết năm 2007, công nghiệp và xây dựng là lĩnh vực thu hút được nhiều FDI nhất – 67% số dự án và 60% tổng giá trị FDI đăng ký. Sau đó đến khu vực dịch vụ - 22,3% về số dự án và 34,3% về giá trị. Trong 82 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, các nước đầu tư nhiều nhất tính theo giá trị FDI đăng ký lần lượt là Hàn Quốc, Singapore, Đài LoanNhật Bản. Còn theo giá trị FDI thực hiện thì Nhật Bản giữ vị trí số một. Các tỉnh, thành thu hút được nhiều FDI (đăng ký) nhất lần lượt là thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.[73] Riêng năm 2008, số FDI mới đăng ký (nghĩa là không tính số xin phép tăng vốn phát sinh trong năm) đạt 32,62 tỷ dollar.[74] Việt Nam cũng đầu tư ra nước ngoài tới 37 quốc gia và lãnh thổ, nhiều nhất là đầu tư vào Lào. Tính đến hết năm 2007, có 265 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký khoảng 2 tỷ dollar và vốn thực hiện khoảng 800 triệu dollar. Đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chiếm phần lớn, tiếp theo là nông, lâm nghiệp.[75]

Việt Nam bắt đầu chủ trương hội nhập kinh tế từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986) của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (1996), chủ trương này càng được đẩy mạnh. Hội nhập kinh tế của Việt Nam diễn ra càng ngày càng nhanh và càng sâu. Từ chỗ chỉ hợp tác thương mại thông thường đã tiến tới hợp tác kinh tế toàn diện, từ chỗ hợp tác song phương đã tiến tới hợp tác kinh tế đa phương. Cho đến giữa năm 2007, Việt Nam đã có quan hệ kinh tế với 224 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, đã ký hơn 350 hiệp định hợp tác phát triển song phương, 87 hiệp định thương mại, 51 hiệp định thúc đẩy và bảo hộ đầu tư, 40 hiệp định tránh đánh thuế hai lần, 81 thoả thuận về đối xử tối huệ quốc.[76][77] Đỉnh cao về hợp tác kinh tế song phương là việc ký hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, còn về hợp tác kinh tế đa phương là việc ký hiệp định gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới với tiêu chuẩn “WTO Plus”, nghĩa là chấp nhận các đòi hỏi về tự do hóa thương mại (hàng hóa và dịch vụ), đầu tư, mua sắm của chính phủ cao hơn so với mức độ quy định trong các văn kiện có hiệu lực đang áp dụng của WTO.

Việt Nam đã tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Liên bang Nga (2001), Nhật Bản (2006), Ấn Độ (2007), Trung Quốc (2008), Hàn Quốc, Tây Ban Nha (2009), Vương quốc Anh (2010), Đức (2011), Pháp và Ý (2013). Trong số này, một số mối quan hệ như với Đức, Trung Quốc và LB Nga đã được nâng lên tầm “đối tác chiến lược toàn diện”. Ngoài ra, từ năm 2009, Việt Nam cũng đã thiết lập quan hệ “đối tác toàn diện” với Australia.

Xem thêm: Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, Tổ chức ACMECS, Tiểu vùng Sông Mekong Mở rộng, Vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ, Hành lang kinh tế Đông - Tây, Hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, AFTA, Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ.

Khu vực kinh tế phi chính thức

Là một nước đang phát triển, các hoạt động kinh tế phi chính thức ở Việt Nam khá phổ biến. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến trái chiều về phi mô thực của khu vực kinh tế này. Một nghiên cứu chung giữa Tổng cục Thống kê Việt Nam và Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp cho thấy khu vực kinh tế phi chính thức (hoạt động kinh tế ngoài nông-lâm-ngư nghiệp của cá nhân, hộ gia đình không phải hoặc chưa đăng ký) chiếm 27,7% lực lượng lao động trong toàn quốc; chiếm 55,7% số lao động phi nông nghiệp, và tạo ra giá trị sản lượng tương đương 20% GDP.[78]. Tương tự, Ngân hàng Thế giới ước tính khu vực kinh tế phi chính thức có giá trị tương đương 15,6% tổng sản phẩm nội địa của Việt Nam. Tuy nhiên, con số này bị nhà kinh tế học Lê Đăng Doanh cho là không hợp lý với một nền kinh tế có mức độ phát triển như Việt Nam. Một số nghiên cứu khác chỉ ra rằng khu vực kinh tế phi chính thức có giá trị khoảng 30 - 50% giá trị của tổng sản phẩm nội địa, ít nhất là gấp đôi con số của Ngân hàng Thế giới và Tổng cục Thống kê Việt Nam.[79]

Các số liệu khác (theo CIA)

Còn các số liệu dưới đây được dịch từ nguồn của Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA)[62].

Tỷ trọng trong GDP (2012)
Lực lượng lao động
  • Có 49,18 triệu lao động (ước tính 2012) (xếp thứ 13 toàn cầu)
    Nông nghiệp: 48%
    Công nghiệp: 21%
    Dịch vụ: 31%
Tỷ lệ thất nghiệp
  • Đạt 4,5% (2012 ước lượng) (xếp thứ 40 toàn cầu)
Dân số dưới mức nghèo
  • Đạt 11,3% (2012). Mức nghèo của Việt Nam giảm từ hơn 58% năm 1993 xuống còn khoảng 10% trong năm 2010.[80].
Hộ gia đình có thu nhập hoặc tiêu dùng bằng cách chia sẻ phần trăm
  • Thấp nhất 10%: 3,2%
  • Cao nhất 10%: 30,2% (2008)
Đầu tư (tổng cố định)
  • Đạt 28,2% của GDP (2012 ước) (xếp thứ 28 toàn cầu)
Ngân sách
  • Thu: 42,14 tỷ USD
  • Chi: 47,57 tỷ USD (2012 ước lượng)
  • Thâm hụt: -3,9 % (2012) (xếp thứ 135 toàn cầu)
Nợ công
  • 48,2% (2012 ước) (xếp thứ 67 toàn cầu)
Tỷ lệ lạm phát
  • Đạt 6,8% (giá tiêu dùng), (2012 ước)
  • Đạt 18,1% (2011 ước) so với thế giới, (xếp thứ 176 toàn cầu)
Xuất khẩu
  • Đạt 114,6 tỷ USD (2012 ước lượng) (xếp thứ 35 toàn cầu) (96,91 tỷ USD 2011)
Nhập khẩu
  • Đạt 114,3 tỷ USD (2012 ước lượng) (xếp thứ 33 toàn cầu) (97,36 tỷ USD 2011)
Tỷ suất hối đoái với USD
Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI 2012)
10,5 tỷ USD tính toàn bộ các dự án đăng ký, chủ yếu tập trung vào công nghiệp và xây dựng. Các nhà đầu tư đã cam kết đầu tư 6,5 tỷ USD vào Việt Nam năm 2013.
  • Lũy kế vốn Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (nhập đến 31 tháng 12 năm 2012): 75,45 tỷ USD, xếp thứ 46 toàn cầu.
Lũy kế vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (FDI xuất đến 31 tháng 12 năm 2009)
Đứng thứ 50 toàn cầu với 7,7 tỷ USD.
Nợ nước ngoài
41,85 tỷ USD; 35,5% GDP (cuối 2012).
39,63 tỷ USD (2011)
Cán cân thanh toán theo ngoại tệ chuyển đổi (2005)
Các mặt hàng xuất khẩu chính (2012)

Dầu thô, hàng dệt may, giày dép, hải sản, điện tử máy tính, gạo, cao su, cà phê.

Các mặt hàng nhập khẩu chính (2012)

Máy móc, thiết bị, xăng dầu, thép, vải, nguyên phụ liệu dệt may da, điện tử máy tính, phân bón.

* Tỷ giá liên ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ** Theo ước tính của Bộ Tài chính *** do Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đánh giá xếp hạng trong 125 nước[81]

Xem thêm: Các số liệu thống kê kinh tế chi tiết theo thời gian có thể tham khảo website WorldBank hoặc Tổng Cục thống kê, và Thông tin về Việt Nam trên CIA.

Các vấn đề tồn tại và thực trạng hiện nay

Nền kinh tế Việt Nam hoạt động kém hiệu quả.[82] Việt Nam trong thời gian vừa qua phát triển kinh tế theo chiều rộng.[83] Tuy nhiên, chiến lược phát triển kinh tế chủ yếu theo chiều rộng cũng như bất kỳ một chính sách nào cũng đều có những hạn chế của nó. Phát triển kinh tế theo chiều rộng thông thường đòi hỏi vốn đầu tư cao và dàn trải. Do vậy, hiệu quả vốn đầu tư khó có thể cao, biểu hiện chỉ số ICOR của Việt Nam mặc dù có được cải thiện nhưng vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Hiệu quả đầu tư không cao và dàn trải được tích tụ qua các năm là nguyên nhân chủ yếu làm cho lạm phát tăng cao.[83]

Nhu cầu đầu tư lớn dẫn đến tình trạng đầu tư vượt xa khả năng tích lũy của nền kinh tế, thâm hụt ngân sách luôn ở mức cao. Để bù đắp phần thiếu hụt phải trông cậy vào đầu tư nước ngoài và vay nợ nước ngoài. Thực tế này đã làm cho nợ quốc gia và nợ công nước ngoài tăng nhanh trong những năm vừa qua, mặc dù vẫn trong ngưỡng an toàn nhưng cũng đến lúc phải thận trọng.[83]

Thâm hụt cán cân thương mại, nhập siêu ở mức cao và trở thành căn bệnh kinh niên của nền kinh tế. Lạm phát cao, nhập siêu lớn là nguyên nhân cơ bản làm mất giá đồng Việt Nam, suy giảm dự trữ ngoại tệ quốc gia và làm giảm lòng tin của người dân vào VND, tạo cơ hội cho đầu cơ, găm giữ, buôn lậu, buôn bán trái phép ngoại tệ và vàng.[83] Tới tháng 4/2011, các nước lân cận lạm phát đều không quá 5 – 6%, còn Việt Nam thì lên đến gần 18% so với cùng kỳ.[82]

Kết luận số 02-KL/TW của Bộ Chính trị đã chỉ rõ nguyên nhân: “Về khách quan, do tác động tiêu cực của tình hình kinh tế thế giới; về chủ quan là do những hạn chế, yếu kém vốn có của nền kinh tế, mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế chậm được khắc phục, bị tích tụ nặng nề hơn trong những năm phải đối phó với tình trạng suy giảm kinh tế và do một số hạn chế trong quản lý, điều hành của các cấp. Đây cũng chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trong nhiều năm qua, nước ta luôn phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao và kinh tế vĩ mô không vững chắc, gay gắt hơn các nước trong khu vực.”[84]

Mặc dù Việt Nam đã bước vào ngưỡng đầu của các nước có mức thu nhập trung bình, nhưng kết cấu cơ sở hạ tầng của nền kinh tế còn nhiều bất cập và yếu kém.[83]. tâm lý thỏa mãn lan tràn trong dân cư cũng như các nhà lãnh đạo; quyền lợi của các nhóm người trong xã hội trỗi dậy, đan xen và ràng buộc lẫn nhau kìm hãm mọi quá trình cải cách trong nền kinh tế; tham ô, tham nhũng bóp méo mọi quan hệ của đời sống kinh tế xã hội.[83]

Trong những năm vừa qua khi lạm phát gia tăng, kinh tế vĩ mô có nhiều biểu hiện không ổn định, đầu tư trực tiếp nước ngoài đã chững lại, đầu tư nước ngoài gián tiếp cũng nhỏ giọt.[83] Sau khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới, mặc dù đã có dấu hiệu hồi phục song các nền kinh tế lớn tăng trưởng còn chậm, không rõ nét và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, các luồng vốn đầu tư đang đổ dồn vào các nước Đông Nam Á. Nhiều nước trong khu vực đang phải vất vả tìm mọi giải pháp để hấp thụ các luồng vốn này một cách hiệu quả nhất, đồng bản tệ của họ liên tục lên giá. Trong khi đó tại Việt Nam, các luồng vốn này hầu như im ắng và VND liên tục mất giá.[83] Ở những thời điểm nhất định trong thời gian qua Chính phủ Việt Nam cũng đặt vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát nhưng không nhất quán và nhiều khi còn bị đánh đổi lấy các mục tiêu kinh tế khác. Điều này đã làm giảm lòng tin của cộng đồng các nhà đầu tư, các nhà tài trợ vào môi trường đầu tư của Việt Nam. Mức xếp hạng tín nhiệm đầu tư của Việt Nam bị giảm sút.[83]

Kinh tế Việt Nam còn có một số tồn tại, làm giảm tốc độ tăng trưởng trong dài hạn.[85] Việt Nam đã bị bỏ lại quá xa bởi các nước khác trong khu vực, cho dù đã đạt được thành tựu tăng trưởng kinh tế cao trong một thời gian dài, theo tính toán của các chuyên gia quốc tế.[86]

Cơ sở hạ tầng và môi trường đầu tư

Theo Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), thách thức số 1 của Việt Nam là thiếu hụt hạ tầng cơ sở.[87] Tổng đầu tư cho cơ sở hạ tầng của Việt Nam trong những năm gần đây (tính từ năm nào) giữ ở mức 10% GDP,[88] cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn quốc tế, trong đó các tài trợ từ nguồn vốn quốc tế chiếm 40% tổng mức đầu tư. Nhưng cơ sở hạ tầng của Việt Nam vẫn còn thiếu kém và với số lượng hiện sở hữu thì đã quá tải.[89]

Cơ sở hạ tầng là một trong những trở ngại lớn nhất của phát triển kinh tế tại Việt Nam. Cơ sở hạ tầng Việt Nam bị đánh giá là yếu kém, thiếu thốn.[90] Việc nâng cấp hạ tầng vật chất của Việt Nam vẫn còn nhiều thiếu sót và trậm trễ.[90] Nhất là trong việc phát triển cơ sở hạ tầng trọng yếu, như các tuyến đường liên tỉnh, cầu… Những hạn chế về cơ sở hạ tầng tại Việt Nam theo đánh giá bởi các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đe doạ các dự án FDI đối với xuất khẩu và sản xuất. Chừng nào Việt Nam còn chưa cải thiện hạ tầng và cơ sở hậu cần thì Việt Nam còn tụt hậu.[90]

Chi phí vận tải ở Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Việt Nam chưa có cảng biển mang tầm cỡ quốc tế. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí sản xuất hàng hóa ở Việt Nam, vì phải vận chuyển qua cảng trung gian. Vấn đề bất cập trong cơ sở hạ tầng hiện nay là thiếu một quy hoạch phát triển đồng bộ, chi phí đầu tư cao, chất lượng đầu tư thấp và thất thoát lớn trong quá trình đầu tư.[85]

Tình trạng ách tắc giao thông, giá đất cao, xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông đắt đỏ tại các đô thị lớn như Hà Nội và Tp. HCM là một trong những bước cản lớn cho phát triển của 2 thành phố lớn nhất nước này.[85]

Theo World Bank, một trong các trở ngại khác của môi trường đầu tư là thủ tục quan liêu. Trong Báo cáo “Môi trường Kinh doanh 2008” của Ngân hàng Thế giới và Tập đoàn Tài chính Quốc tế, Việt Nam đứng thứ 91 trong số 178 nền kinh tế về mức độ thuận lợi kinh doanh, trong khi Trung Quốc đứng thứ 83 và Thái Lan thứ 15.[91]

Năm 2012, Tạp chí kinh doanh Forbes của Mỹ đánh giá về thực trạng kém hấp dẫn của Việt Nam, số doanh nghiệp nước ngoài rời Việt Nam nhiều hơn số công ty tới đây làm ăn, trong khi giới chức Việt Nam đổ lỗi cho khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 hơn là thực trạng tham nhũng, nổ bong bóng tài chính và bất động sản, quyết định đầu tư kém cỏi của các doanh nghiệp nhà nước và quản l‎ý vĩ mô yếu kém của chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên bài của tạp chí Forbes cũng cho hay trong khi một số công ty cắt giảm đầu tư tại Việt Nam thì các nhà sản xuất của Hong Kong lại chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Các công ty Nhật duy trì mức đầu tư không đổi và đang tìm kiếm cơ hội chuyển đầu tư từ Thái Lan sang Việt Nam.[92].

Chất lượng tăng trưởng

Tại Hội thảo “Chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2001 - 2010 và định hướng tới năm 2020” vừa diễn ra 24/2/2011 tại Hà Nội, theo đánh giá, vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho tới chưa đạt, khối dịch vụ mới chỉ chiếm 40% GDP so với kì vọng 42% được Quốc hội đề ra; GDP bình quân đầu người tuy có sự tiến bộ, nhưng so với các nước cùng trình độ phát triển thì không đạt chỉ tiêu; Đóng góp của TFP (năng suất các yếu tố tổng hợp) vào tăng trưởng vẫn còn thấp, trong khi vẫn cần rất nhiều vốn; Hệ số ICOR kém hiệu quả so với nhiều nước; hiệu quả kinh tế và năng suất lao động cũng rất thấp; năng lực cạnh tranh còn nhiều yếu kém...[93] Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phần lớn phụ thuộc vào tăng vốn đầu tư và tăng số lượng lao động. Chất lượng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam còn thấp và chưa đạt được độ bền vững. Chất lượng tăng trưởng kinh tế thấp thể hiện ở sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, tính hiệu quả của kinh tế thấp, đồng thời, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu.[94]

Chất lượng tăng trưởng thấp còn thể hiện qua chỉ số ICOR cao cơ cấu trong nền kinh tế thiếu tính bền vững. Tỷ lệ đầu tư trên GDP của Việt Nam luôn ở mức cao so với các nước trong khu vực. ICOR càng cao đồng nghĩa với hiệu quả đầu tư trong nền kinh tế càng thấp.[95] Chất lượng tăng trưởng thấp kéo dài là tiền đề gây nên lạm phát, khủng hoảng và suy thoái kinh tế.[83] Chất lượng tăng trưởng thấp đang đe dọa đến tính ổn định và sự bền vững phát triển kinh tế trong tương lai.[83]

Cơ cấu kinh tế

Cơ cấu kinh tế Việt Nam không hợp lý thể hiện ở cơ cấu sở hữu (tài sản và đầu tư tập trung quá lớn vào khối doanh nghiệp nhà nước, trong khi khối này hoạt động không hiệu quả). Sự bất cập trong cơ cấu nền kinh tế còn được thể hiện qua việc lựa chọn ngành trong chiến lược phát triển công nghiệp chưa tận dụng được lợi thế cạnh tranh của Việt Nam đang có.[96]

Chất lượng của nguồn lao động

Một trong những trở ngại của nền kinh tế Việt Nam là thiếu nguồn nhân lực có trình độ[91]. Nguồn lao động của Việt Nam dồi dào, trẻ, có trình độ học vấn nhưng thiếu kỹ năng và tay nghề. Nhiều dự án đầu tư của Việt Nam không phát huy được những lợi thế này.[97]

Chất lượng nhân lực không cao và chậm áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ khiến cho năng suất lao động thấp, sức cạnh tranh của hàng hóa kém, giá trị gia tăng của các sản phẩm chưa cao. Trên thực tế, quá trình đưa nhân tố nguồn cung lao động vào nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào các quá trình kinh tế-tài chính khác, cũng như chu kỳ sản xuất kinh doanh, không hoàn toàn do ý chí áp đặt được.[95]

Nguồn nhân lực giá rẻ không còn được xem là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Chất lượng nguồn nhân lực thấp trở thành một rào cản phát triển kinh tế. Số người lao động qua đào tạo đang chiếm một tỷ lệ thấp, chất lượng cũng chưa đáp ứng được những công việc đòi hỏi kiến thức và kỹ năng. Đào tạo đại học và nghề chưa theo sát với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Vì vậy, vấn đề nhân lực là một trở ngại lớn đối với nhiều doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam.[85]

Chính sách tài chính và tiền tệ

Nợ nước ngoài của Chính phủ cao, rủi ro vỡ nợ là có. Việt Nam bị các tổ chức đánh giá tín nhiệm hạ thấp mức độ an toàn xuống "rủi ro cao".[98] Tính tới tháng 3 năm 2011, Việt Nam là một trong 20 nước có khả năng vỡ nợ lớn nhất trên thế giới.[99] Thị trường chứng khoán trong thời gian 2 năm 2009-2010 suy giảm mạnh.[100] Thâm hụt cán cân thương mại, nhập siêu ở mức cao và trở thành căn bệnh kinh niên của nền kinh tế.[83] Việt Nam bị mắc phải ba vấn đề liên quan: thâm hụt ngân sách nặng nề, nhập siêu dẫn tới thâm hụt tài khoản vãng lai, và dự trữ ngoại tệ quá mỏng. Chính vì vậy, lạm phát luôn là vấn đề nhức nhối. Chính phủ không thể ổn định được tỷ giá, một nguyên nhân dẫn tới lạm phát cao.[95] Trong vòng 5 năm (2006-2010), tính cộng dồn đơn giản, lạm phát đã tăng gần 60% trong khi tổng tăng trưởng GDP chỉ đạt 35,1%. Hàng năm Chính phủ Việt Nam đều phải nỗ lực rất lớn trong điều hành để kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô. Các giải pháp thực thi chủ yếu đều mang tính ngắn hạn, tình thế (chữa cháy), nặng về hành chính, chưa tập trung xử lý các vấn đề cơ bản như cơ cấu, hiệu quả và sức cạnh tranh. [101]

Tư duy và tầm nhìn trong quản lý kinh tế Nhà nước

Việt Nam phát triển không bền vững là do thiếu tư duy kinh tế và quyết tâm chính trị đủ mạnh.[93] Rất nhiều chính sách của Việt Nam thuộc dạng lỗi thời so với các nước Đông Nam Á, không chỉ riêng những chính sách về kinh tế, giáo dục hay khoa học công nghệ.[93] Theo East Asian Bureau of Economic Research, bất ổn trong nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã làm suy yếu tính cạnh tranh và hiệu quả kinh tế của quốc gia này. Và sự bất ổn trong nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam không chỉ là một xáo động ngắn hạn mà thực sự là một vấn đề nghiêm trọng có hệ thống, bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết về các khái niệm về nguyên tắc phát triển cũng như sự thiếu hụt về nỗ lực mang tính chiến lược nhằm xây dựng một nền quản lý hiệu quả.[102]

Về kinh doanh, hàng loạt các đại doanh nghiệp nhà nước như Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Viễn thông Quân Đội, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn bị chính thanh tra của chính phủ phát hiện sai phạm gây tổn thất nặng nề. Việc đầu tư thua lỗ của các doanh nghiệp nhà nước độc quyền dẫn đến chính người dân và những người đóng thuế sẽ phải bỏ tiền của mình ra để trả nợ vì những sai phạm kinh tế làm lỗ tới hàng tỷ đôla gây ra bởi các tập đoàn, tổng công ty của Nhà nước[103].

Năm 2012, theo nghiên cứu của tổ chức nghiên cứu Brookings của Mỹ, người Việt Nam có gánh nặng thuế và chi phí cao bậc nhất khu vực. Việt Nam có tỷ lệ dân nghèo (người có thu nhập dưới 2 USD/ngày) chiếm 18,2% dân số; tầng lớp trung lưu (thu nhập trên 5.600 USD/năm) chỉ chiếm 5,6% dân số.[104] Các tập đoàn nhà nước cốt lõi của nền kinh tế Việt Nam kinh doanh theo kiểu "lời ăn, lỗ dân chịu"[105], nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ nặng[106] như Vinashin (nợ từ 80.000 đến 120.000 tỉ đồng)[107][108], Vinalines (nợ hơn 43.000 tỉ)[109], VINACONEX (nợ nghìn tỷ)[110], EVN[111], Petro Vietnam[112]... Tổng số nợ của các doanh nghiệp nhà nước hiện nay là trên 50 tỷ USD. Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của các Doanh Nghiệp Nhà Nước là 1,36 lần, chưa bằng 1 nửa so với với quy định là 3 lần, nhưng trong số này có 30/85 Tập đoàn có chỉ số này vượt quá 3 lần. Giải pháp cốt lõi nhất là cần phải có chế tài mạnh mẽ hơn nữa để buộc các doanh nghiệp nhà nước công khai, minh bạch thông tin.[113]

Tham khảo và chú thích

  1. Ngân hàng thế giới thống kê GDP Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2013
  2. Việt Nam cần giảm phụ thuộc vào xuất khẩu và FDI Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2013
  3. http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/them-mot-nuoc-cong-nhan-vn-co-nen-kinh-te-thi-truong-2690795.html Thêm một nước công nhận VN có nền kinh tế thị trường
  4. Vietnam may be fastest growing of emerging economies Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2013
  5. Bức tranh tổng thể nền kinh tế: Vẫn đầy lo âu Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2013
  6. Hoàng Cơ Thụy. tr 1505
  7. Golden Triangle Opium Trade, an Overview (dạng PDF) Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2013
  8. Logan, William S. Trang 79.
  9. Biến động kinh tế Đông á và con đường công nghiệp hoá Việt Nam. Trần Văn Thọ - GS Đại học Waseda, Nhật Bản. Nhà xuất bản chính trị quốc gia Hà Nội năm 2005, trang 6
  10. 10,0 10,1 Kinh tế Việt Nam 61 năm sau cách mạng Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2013
  11. Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V do đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng trình bày Ngày 27 tháng 3 năm 1982 Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2013
  12. 12,0 12,1 12,2 “Phương hướng, nhiệm vụ và những mục tiêu chủ yếu về kinh tế và xã hội trong 5 năm (1981 - 1985) và những năm 80”, Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V do Phạm Văn Đồng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng trình bày ngày 27 tháng 3 năm 1982. Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2013
  13. Gặp những nhân chứng của “Cuộc xé rào” lịch sử | Kỳ I: Chiến dịch X1 và X2 Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2013
  14. Pham Van Dong Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2013
  15. Santoli, Al. To Bear Any Burden. Bloomington, IN: Đại học Indiana Press, 1999. Trang 349.
  16. Nguyen Van Canh. Vietnam under Communism, 1975-1982. Stanford, CA: Hoover Press, 1985. Trang 37.
  17. Morris, Stephen J. Why Vietnam Invaded Cambodia: Political Culture and the Causes of War. Stanford, CA: Stanford University Press, 1999. Trang 187.
  18. SarDesai, D. R. Vietnam, Past and Present. Cambridge, MA: Westview Press, 2005. tr 132
  19. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI do Trường Chinh trình bày.
  20. Tuổi Trẻ Online: “Đêm trước” đổi mới: Chiếc áo cơ chế mới. Truy cập ngày 3/1/2009.
  21. Tuổi Trẻ Online: “Đêm trước”đổi mới: Những thông điệp gửi đến Ba Đình, 09/12/2005, Xuân Trung - Quang Thiện
  22. Tuổi Trẻ Online: ““Đêm trước” đổi mới: Chuyển đổi vô hình”., Xuân Trung - Quang Thiện, 10/12/2005
  23. Văn kiện Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam: “Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII” do Trường Chinh trình bày.
  24. Văn kiện Đảng Cộng sản Việt Nam: Phương hướng, mục tiêu chủ yếu phát triển kinh tế, xã hội trong 5 năm 1986-1990, Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do Võ Văn Kiệt trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng.
  25. 25,0 25,1 Văn kiện Đảng Cộng sản Việt Nam: “Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành trung ương (khóa VI) tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII” do Nguyễn Văn Linh trình bày.
  26. 26,0 26,1 26,2 Báo cáo chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển”.
  27. 27,0 27,1 Văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam: "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội".
  28. Thủ tướng Phan Văn Khải: 'Xin nhận lỗi trước đồng bào' Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2013
  29. Vietnam Prime Minister Nguyen Tan Dung urged to resign Truy cập ngày 1 tháng 6 năm 2013
  30. http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2012/10/121015_vn_party_good_and_bad.shtml
  31. Vietnam Prime Minister spared action as Communist Party meeting ends Truy cập ngày 2 tháng 6 năm 2013
  32. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận lỗi trước Quốc hội Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2013
  33. Báo cáo của Chính phủ về tình hình Kinh tế-Xã hội năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013 Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2013
  34. Thủ tướng sẽ nắm trực tiếp dưới 10 Tập đoàn nhà nước Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2013
  35. 35,0 35,1 Vinashin khó khăn con đường tái cơ cấu Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2013
  36. 36,0 36,1 Hàng ngàn lao động mất việc vì Vinashin
  37. Nhiều tập đoàn, tổng công ty lỗ nghìn tỷ, nợ xấu hàng trăm tỷ Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2013
  38. Báo cáo phân tích kinh tế Việt Nam năm 2008 Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2013
  39. Quỹ Tiền tệ Quốc tế: Report for Selected Countries and Subjects Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2013
  40. Tình hình kinh tế, xã hội năm 2009 Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2013
  41. Tình hình kinh tế, xã hội năm 2010 Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2013
  42. Tình hình kinh tế, xã hội năm 2011 Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2013
  43. http://www.kh-sdh.udn.vn/zipfiles/so40quyen2/6-vothithuyanh.pdf
  44. http://www.thesaigontimes.vn/Home/thoisu/doisong/27817/
  45. http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/12/091201_vn_ends_stimulus.shtml
  46. http://vietnamese.cri.cn/481/2011/02/14/1s151579.htm
  47. http://vneconomy.vn/20121022105512425P0C9920/chu-tich-quoc-hoi-su-tri-tre-cua-nen-kinh-te-dang-hien-hien.htm
  48. http://vneconomy.vn/20121020095845624P0C17/chinh-phu-thi-truong-bat-dong-san-chua-co-kha-nang-phuc-hoi.htm
  49. http://doanhnhan.vneconomy.vn/20121104035912505P0C5/doanh-nghiep-dong-cua-hai-nam-bang-nua-20-nam.htm
  50. http://cafef.vn/doanh-nghiep/chi-phi-von-cua-dn-viet-cao-gap-10-lan-cong-ty-da-quoc-gia-20121124112953335ca36.chn
  51. http://cafeland.vn/phan-tich/no-xau-rui-ro-vi-mo-lon-nhat-hien-nay-28950.html
  52. http://cafef.vn/tai-chinh-ngan-hang/no-cong-no-ngan-hang-cua-viet-nam-duoc-he-mo-20121123013241545ca34.chn
  53. VnExpress: "Thủ tướng kêu gọi toàn dân tiết giảm chi tiêu".
  54. Cổng thông tin kinh tế Việt Nam: "Chính phủ yêu cầu tăng cường chống đầu cơ tăng giá".
  55. VnExpress: "Thêm một nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường".
  56. Lao Động: "Ấn Độ công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam".
  57. Thời báo Kinh tế Việt Nam: 18 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ.
  58. VTV: "Việt Nam chưa được công nhận nền kinh tế thị trường đầy đủ".
  59. VietNamNet: "EU: Công nhận kinh tế thị trường sớm, Việt Nam dễ rủi ro".
  60. Tổng cục Thống kê (Việt Nam): “Chỉ số phát triển tổng sản phẩm trong nước theo giá so sánh 1994 phân theo thành phần kinh tế và phân theo ngành kinh tế (Năm trước = 100)”. Truy cập ngày 11/1/2009.
  61. Tổng cục Thống kê (Việt Nam): “Cơ cấu tổng sản phẩm trong nước theo giá thực tế phân theo thành phần kinh tế và phân theo ngành kinh tế”. Truy cập ngày 11/1/2009.
  62. 62,0 62,1 62,2 Thông tin về Việt Nam trên CIA
  63. Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ trên đề án nhưng đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
  64. Mặc dù theo kế hoạch đến năm 2020 mới có 15 khu kinh tế ven biển.
  65. Tổng cục Thống kê: “Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ cả nước tháng 12 năm 2008”. Truy cập ngày 11/1/2009.
  66. Báo Kinh tế và Đô thị: Tăng trưởng GDP 2008 thấp hơn mức đã công bố.
  67. HOSE: Quy mô niêm yết thị trường hiện tại. Truy cập ngày 12/1/2009.
  68. HASTC: Quy mô niêm yết thị trường hiện tại. Truy cập ngày 12/1/2009.
  69. Vinashin được vay toàn bộ 750 triệu USD trái phiếu quốc tế. Truy cập ngày 12/1/2009.
  70. Xem tại website chính thức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
  71. Ví dụ: được công bố tại đây.
  72. Số liệu của Bộ Tài chính (Việt Nam) công khai tại đâytại đây. Truy cập ngày 12/1/2009.
  73. Cục Đầu tư nước: Tổng hợp tình hình Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2007, dự báo năm 2008. Truy cập ngày 12/1/2009.
  74. Cục Đầu tư nước: Tình hình đầu tư nước ngoài tháng 12 và 12 tháng năm 2008. Truy cập ngày 12/1/2009.
  75. Cục Đầu tư nước ngoài: Tình hình đầu tư ra nước ngoài giai đoạn 1989 - 2007. Truy cập ngày 12/1/2009.
  76. Bui Quang Tuan (2007), “Economic Integration of Vietnam,” paper presented at the 32nd FAEA Annual Conference "Politics and Economic Development of ASEAN", Bangkok, December 7-8.
  77. Lưu Ngọc Trịnh và Trần Thị Lan Hương (2007), “Hội nhập đa tuyến: Kinh nghiệm của Việt Nam”, Những vấn đề Kinh tế và Chính trị Thế giới, số 11(139), trang 45-51, tháng 11.
  78. Báo Lao động, "Khu vực kinh tế phi hình thức", ngày 15/02/2009. Truy cập ngày 07/3/2010.
  79. Việt Nam Net, "What’s behind a beautiful figure?", ngày 20/06/2008. Truy cập ngày 07/02/2011.
  80. Viet Nam's Poverty Reduction, Development A Regional Success Story - ADB | Asian Development Bank
  81. Việt Nam trong xếp hạng cạnh tranh toàn cầu
  82. 82,0 82,1 Sài Gòn Tiếp Thị Online - Góc nhìn - Lạm phát quá cao, tại đâu?
  83. 83,00 83,01 83,02 83,03 83,04 83,05 83,06 83,07 83,08 83,09 83,10 83,11 NCIEC Tin tức :•.•: Nhiệm vụ xuyên suốt cho giai đoạn 2011-2015: Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền...
  84. Một số vấn đề kinh tế vĩ mô và những mục tiêu, nhiệm vụ cho giai đoạn 2011-2015
  85. 85,0 85,1 85,2 85,3 Các vấn đề tăng trưởng kinh tế Việt Nam - Vietstock
  86. Báo Quảng Ninh điện tử - Quang Ninh Online
  87. "Thách thức số một của Việt Nam là cơ sở hạ tầng" | Kinh tế vĩ mô - Đầu tư | CafeF.vn
  88. Đầu tư cho cơ sở hạ tầng chiếm 10% GDP
  89. Một số vấn đề kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2010
  90. 90,0 90,1 90,2 VnMedia: - Trang chủ/Cơ sở hạ tầng kém sẽ đe doạ các dự án FDI - Cơ sở hạ tầng kém sẽ đe doạ các dự án FDI
  91. 91,0 91,1 Việt Nam - Môi trường Kinh doanh Việt Nam - Đầu tư tăng mạnh, vẫn còn thử thách trước mắt
  92. Doanh nghiệp nước ngoài 'đang rời VN' 10:38 GMT - thứ hai, 9 tháng 4, 2012
  93. 93,0 93,1 93,2 Chi tiết
  94. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam còn nhiều trở ngại | Kinh tế vĩ mô - Đầu tư | CafeF.vn
  95. 95,0 95,1 95,2 Pham Minh Chinh, Vuong Quan Hoang (2009) Kinh tế Việt Nam: Thăng trầm và đột phá. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật, BCHTW Đảng Cộng Sản Việt Nam, tháng 5-2009.
  96. Bàn về cải tiến cơ cấu của nền kinh tế Việt Nam Ngô Doãn Vịnh, Viện Chiến lược phát triển 28/11/2010 | 2:57:46 pm, Pdf
  97. Dân số và chất lượng nguồn nhân lực: Nắm "vàng", thoát bẫy thu nhập trung bình | Tin tức - Sự kiện | giadinh.net.vn
  98. Fitch hạ thấp mức tín nhiệm nợ của Việt Nam | VOA Tiếng Việt | VOA Tiếng Việt
  99. The 18 Countries Most Likely To Default
  100. VCCI - Thị trường chứng khoán 2010: Suy giảm dòng tiền
  101. VnEconomy - Kinh tế vĩ mô 2006 - 2010 và “nghịch lý” hiếm thấy - Thời sự
  102. Vietnam: Macroeconomic challenges and the road to prosperity | East Asia Forum
  103. Ai trả nợ cho công ty nhà nước? 13:26 GMT - chủ nhật, 8 tháng 4, 2012
  104. VN nhiều dân nghèo gần nhất khu vực
  105. Tập đoàn nhà nước: Lời ăn, lỗ... dân chịu
  106. Giám sát đặc biệt tập đoàn nhà nước thua lỗ nặng
  107. Vinashin nợ 86.000 hay 120.000 tỉ đồng?
  108. Vinashin nợ hơn 80.000 tỷ đồng
  109. Vinalines nợ hơn 43.000 tỷ đồng
  110. Vinaconex nợ nghìn tỷ, những "đứa con cưng" bị bỏ hoang, "đắp chiếu"
  111. Nợ của EVN vượt ngưỡng an toàn
  112. Nợ ngân hàng: Petro Vietnam “soán ngôi” EVN
  113. Các doanh nghiệp nhà nước đang nợ hơn 1.000.000 tỷ đồng!

Xem thêm

Liên kết ngoài